Khi giá điện bắt đầu áp dụng tăng 948,5 đồng cho mỗi kWh từ ngày 1/3, tức tăng 8,92% so với năm 2009, mỗi gia đình đều phải đối mặt với việc gánh thêm một khoản chi phí không nhỏ cho tiền điện. Riêng những bà nội trợ, người trực tiếp quán xuyến việc gia đình, khi quản lý chi tiêu hàng tháng trong nhà càng phát hoảng khi nghĩ đến khoản tiền điện phải trả thêm.
Để hỗ trợ người dân, đặc biệt là chị em, những bí quyết tiết kiệm điện năng trong nhà nhằm giảm thiểu khoản chi phí đội thêm này, Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP HCM đưa ra cẩm nang tiết kiệm năng lượng trong gia đình. Tài liệu này được phát miễn phí và gửi đến từng nhà theo kế hoạch tuyên truyền của hội phụ nữ địa phương.
Bao gồm những lời khuyên và mẹo vặt nhỏ giúp sử dụng đúng cách các thiết bị điện gia dụng và tiết kiệm điện hiệu quả ngay trong nhà mình, “bảo bối” này truyền đạt thông điệp: “Tiết kiệm điện không khó, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt, đơn giản nhất”.
Chỉ nên nấu cơm trước bữa ăn khoảng 30-45 phút để tránh hâm nóng nhiều lần là một cách tiết kiệm điện. Ảnh: Thiên Chương. |
Ví dụ, chiếu sáng trong nhà, với cùng độ sáng như nhau, bóng đèn huỳnh quang T5-28W (ống tuýp gầy) có tuổi thọ trên 10.000 giờ, gấp 2 lần bóng huỳnh quang T10-40W (ống tuýp to). Nhiều nghiên cứu, tính toán và thí nghiệm cho kết quả, bóng đèn huỳnh quang T5-28W tiết kiệm được 40% điện năng tiêu thụ so với bóng T10-40W. Tiền điện phải trả trong 10.000 giờ của bóng T5-28W khoảng 330.000 đồng, trong khi tổng số tiền phải trả khi dùng bóng T10-40W lên đến 548.000 đồng. Khuyến cáo được các chuyên gia đưa ra đối với sử dụng đèn chiếu sáng trong nhà là: “Hãy tắt bóng đèn khi không dùng đến”.
Lời khuyên về cách sử dụng các thiết bị trong nhà bếp còn giản dị hơn. Chẳng hạn như: không nên nấu cơm quá sớm, chỉ nên nấu trước khi ăn 30-45 phút để hạn chế thời gian hâm nóng; sử dụng nồi cơm điện có công suất và dung tích phù hợp, năng lau chùi đáy nồi, mâm nhiệt. Người sử dụng lò vi sóng cần lưu ý không bật lò trong phòng có máy điều hòa, tránh xa các thiết bị điện khác để không làm ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của công cụ này.
Chọn tủ lạnh phải lưu ý loại dung tích phù hợp, đủ dùng cho số người trong gia đình. Ví dụ như: một người dùng tủ 70-100 lít; 2-3 người chỉ cần mua tủ lạnh 100-150 lít; 3-4 người cần tủ lạnh 150-250 lít. Đối với nhà có 4 người trở lên thì dùng tủ lạnh dung tích 250-350 lít sẽ tiết kiệm điện hơn. Vị trí tủ lạnh nên đặt cách tường 10 cm. Nên lau chùi tủ thường xuyên và đặt tủ ở những nơi tránh xa nguồn nhiệt.
Không nên ủi quần áo trong giờ cao điểm cũng là một cách tiết kiệm điện. Ảnh: Thiên Chương. |
Đối với máy giặt, cần xem kỹ lượng quần áo bỏ vào máy có phù hợp với công suất hay chưa. Không nên chọn chế độ giặt bằng nước nóng. Khi máy phát ra tiếng động lạ cần dừng lại để kiểm tra. Nếu máy giặt có chế độ tiết kiệm thì nên chọn cách giặt này để không hao phí điện nước.
Các gia đình có sử dụng máy điều hòa nhiệt độ, cần lưu ý nên duy trì từ 24 đến 26 độ C, đóng kín cửa phòng khi mở máy, hạn chế ánh nắng trực tiếp chiếu vào phòng và bảo dưỡng máy định kỳ.
Với bàn ủi (bàn là), khuyến cáo đầu tiên là không ủi đồ vào giờ cao điểm. Lau sạch bề mặt bàn ủi trước khi dùng. Tập trung quần áo lại để ủi một lần theo thứ tự quần áo mỏng trước, xong đến đồ dày, sau đó rút phích cắm và tận dụng sức nóng quay trở lại ủi đồ mỏng. Khi ủi nên kiểm tra cài đặt nhiệt độ của bàn là thích hợp cho từng loại vải, tránh dùng bàn ủi trong phòng có bật máy điều hòa nhiệt độ.
Trong phòng khách, phòng ngủ, quạt máy chỉ nên bật với tốc độ quạt theo nhu cầu cần thiết, nếu sử dụng quạt ở số đo lớn nhất sẽ hao phí điện nhiều hơn. Máy vi tính chỉ nên dùng màn hình có kích cỡ vừa phải, nên ưu tiên cho màn hình LCD hoặc sử dụng laptop vì thiết bị này ít hao phí hơn màn hình thông thường. Tivi, đầu máy, các thiết bị điều khiển từ xa không nên đặt ở chế độ chờ sẵn, không dùng thì tắt hẳn, tránh để chế độ sáng của màn hình quá cao sẽ hao điện và hại mắt. Khi không sử dụng trong thời gian dài thì tắt hẳn nguồn và rút phích cắm ra khỏi ổ điện.
Trao đổi với VnExpress.net, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP HCM Huỳnh Kim Tước cho biết, cẩm nang tiết kiệm năng lượng trong gia đình thực sự cần thiết, tỷ lệ tiêu thụ điện của hộ gia đình chiếm 35% tổng số tiêu thụ năng lượng của thành phố. “Nếu mỗi gia đình đều ý thức tiết kiệm điện thì một năm thành phố bớt lãng phí được hàng nghìn tỷ đồng”, ông Tước nói.
Ông Tước cho hay, thế giới đã kêu gọi và tiến hành tiết kiệm năng lượng 40 năm nay. Trong khi đó, Việt Nam chỉ mới thực hiện được 4-5 năm trở lại đây. Vì còn quá mới mẻ nên việc kêu gọi tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam đòi hỏi phải có quá trình đi từ ý thức (sự hiểu biết thấu đáo) đến hành động (làm như thế nào cho đúng).
Trước tiên cần làm công tác tư tưởng giúp cho người dân hiểu được sự cần thiết của việc tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là tiết kiệm điện. Chẳng hạn như tiết kiệm điện trong gia đình sẽ mang lại những lợi ích cụ thể: tiết kiệm tiền chi trả cho điện năng, hạn chế tình trạng cắt diện luân phiên trong khu vực mình đang sống, đảm bảo nhu cầu về điện cho các thế hệ con cháu…
Kế đến phải hướng dẫn người dân làm thế nào để tiết kiệm điện, chẳng hạn như: cách sử dụng thiết bị điện gia dụng: từ nấu cơm, dùng lò vi sóng, cách sử dụng hệ thống đèn chiếu sáng, máy lạnh, tủ lạnh… ra sao để hạn chế được sự hao phí không cần thiết.
“Tiết kiệm năng lượng nói chung và tiết kiệm điện nói riêng đòi hỏi phải được sự đồng thuận của xã hội, cộng đồng thì mới giải quyết được tận gốc rễ”, ông Tước nói.>>> ve sinh may lanh quan Binh Thanh.